Trong bối cảnh hội nhập giáo dục toàn cầu ngày càng sâu rộng, chất lượng công bố khoa học quốc tế trở thành tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực học thuật của giảng viên, nhà nghiên cứu và cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, bên cạnh những tạp chí quốc tế uy tín, hiện nay cũng tồn tại rất nhiều tạp chí khoa học kém chất lượng hoặc mang tính thương mại hóa, gây khó khăn cho quá trình lựa chọn kênh công bố phù hợp.
Nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng trong công bố khoa học quốc tế, sáng ngày 21/6/2025, Khoa Công nghệ Kỹ thuật Ô tô – Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Bình Dương (BETU) đã tổ chức buổi tập huấn chuyên đề "Phương pháp xác định các tạp chí khoa học kém chất lượng và phân loại tạp chí trong công bố quốc tế". Chương trình đã thu hút sự quan tâm và tham dự của đông đảo giảng viên, nhà nghiên cứu và cán bộ quản lý trong lĩnh vực giáo dục kỹ thuật.
TS. Lê Văn Út, Trợ lý Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn Lang – người trực tiếp báo cáo tại buổi tập huấn
Vì sao cần nhận diện tạp chí khoa học kém chất lượng?
Trong quá trình công bố nghiên cứu khoa học quốc tế, không ít giảng viên và nghiên cứu sinh gặp phải khó khăn trong việc xác định đâu là tạp chí quốc tế uy tín, đâu là tạp chí giả mạo hoặc kém chất lượng. Việc công bố nhầm vào những tạp chí không được công nhận không chỉ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân mà còn làm giảm giá trị học thuật của công trình nghiên cứu.
Theo TS. Lê Văn Út, Trợ lý Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn Lang – có những đặc điểm như:
- Thời gian xét duyệt quá nhanh (1–3 ngày),
- Không có bình duyệt (peer-review) hoặc quy trình đánh giá không minh bạch,
- Phí xuất bản cao bất thường,
- Thường xuyên gửi email mời gọi nộp bài không phân loại lĩnh vực chuyên môn.
Do đó, việc trang bị kiến thức để nhận diện và phân loại tạp chí là rất cần thiết, đặc biệt với những người đang trong quá trình làm nghiên cứu, chuẩn bị bảo vệ học vị, hoặc xét nâng hạng chức danh.
Các cán bộ, giảng viên, nhân viên BETU tham dự buổi tập huấn
Phân loại tạp chí quốc tế: SCIE, Scopus, Q1-Q4 là gì?
Trong khuôn khổ buổi tập huấn, các đại biểu được giới thiệu cụ thể về các hệ thống phân loại tạp chí quốc tế phổ biến, bao gồm:
- SCIE (Science Citation Index Expanded): hệ thống chỉ mục các tạp chí khoa học uy tín nhất thế giới, được Clarivate Analytics quản lý.
- Scopus: hệ thống cơ sở dữ liệu trích dẫn của Elsevier, có độ phủ rộng và được nhiều trường đại học, tổ chức nghiên cứu sử dụng để đánh giá chất lượng công bố.
- Xếp hạng Q1–Q4: là cách phân loại tạp chí trong cùng lĩnh vực theo chất lượng và mức độ ảnh hưởng. Trong đó, Q1 là nhóm có chỉ số ảnh hưởng (Impact Factor) cao nhất.
Việc hiểu rõ các hệ thống phân loại và cách sử dụng cơ sở dữ liệu này giúp giảng viên chọn đúng tạp chí phù hợp với đề tài nghiên cứu, tránh bị lừa bởi những tạp chí “predatory” (lừa đảo, thu phí cao, không đánh giá chất lượng).
Các cán bộ, giảng viên, nhân viên BETU hào hứng tại buổi tập huấn về nhận diện tạp chí khoa học kém chất lượng và phân loại tạp chí trong công bố quốc tế
Những chia sẻ hữu ích từ chuyên gia
TS. Lê Văn Út đã cung cấp nhiều ví dụ minh họa trực tiếp từ thực tiễn, như:
- Cách tra cứu tạp chí trong danh mục SCIE, Scopus.
- Nhận diện các tạp chí bị loại khỏi hệ thống do vi phạm đạo đức xuất bản.
- Cách sử dụng công cụ như Journal Finder, Scimago Journal Rank, DOAJ, để kiểm tra uy tín của tạp chí.
- Các tiêu chí chọn tạp chí phù hợp: chuyên ngành, chỉ số trích dẫn, thời gian xét duyệt, độ phủ toàn cầu...
Buổi tập huấn cũng dành thời gian để trao đổi trực tiếp, giải đáp những vướng mắc của giảng viên khi lựa chọn tạp chí công bố, đặc biệt là với những lĩnh vực kỹ thuật ứng dụng như Công nghệ Kỹ thuật Ô tô – vốn đang có nhiều tiềm năng nghiên cứu nhưng còn thiếu kênh công bố phù hợp.
TS. Phạm Tuấn Anh trao đổi và đặt câu hỏi sâu sắc tại buổi tập huấn
BETU đẩy mạnh công bố khoa học gắn với thực tiễn
Khoa Công nghệ Kỹ thuật Ô tô BETU hiện đang tích cực thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và công bố khoa học. Việc tổ chức các buổi tập huấn công bố quốc tế là bước đi thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ và vị thế học thuật của nhà trường.
Bên cạnh việc hỗ trợ về chuyên môn, Khoa còn định hướng các giảng viên và sinh viên tham gia viết bài nghiên cứu trong các hội thảo quốc tế, gửi bài đăng trên các tạp chí thuộc Scopus, SCIE hoặc các tạp chí uy tín trong nước được công nhận.
Trong thời gian tới, Khoa tiếp tục mở rộng hợp tác với các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước nhằm tăng cường năng lực công bố, đồng thời thúc đẩy các nghiên cứu gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, xã hội và ngành công nghiệp ô tô.
PGS.TS. Nguyễn Phụ Thượng Lưu đã có những chia sẽ thiết thực tại buổi tập huấn
Nâng cao năng lực công bố – Nâng tầm học thuật
TS. Lê Văn Út cùng các cán bộ, giảng viên, nhân viên BETU chụp hình lưu niệm
Buổi tập huấn “Phân loại và nhận diện tạp chí quốc tế” do Khoa Công nghệ Kỹ thuật Ô tô tổ chức đã mang đến nhiều kiến thức quý báu, giúp giảng viên và nhà nghiên cứu:
- Nâng cao kỹ năng chọn lọc tạp chí khoa học uy tín,
- Tránh công bố nhầm vào tạp chí kém chất lượng,
- Tăng khả năng xuất bản quốc tế trong các hệ thống được công nhận toàn cầu.
Thông qua các chương trình thiết thực như thế này, BETU tiếp tục khẳng định cam kết đồng hành cùng giảng viên và sinh viên trên hành trình nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, góp phần đưa nhà trường trở thành một trung tâm học thuật năng động, uy tín trong khu vực.